Cúc bách nhật, còn gọi là bách nhật hồng hay thiên nhật hồng (tên khoa học là Gomphrena globosa L), là một loại cây thảo sống quanh năm. Cả thân và lá đều có lông mềm và nhỏ. Hoa thường nở vào mùa hạ, có màu tím nhạt, trắng hoặc hồng sẫm, hợp thành đầu dày đặc dáng hình cầu. Cúc bách nhật mọc hoang hoặc được trồng làm cảnh ở nhiều nơi. Trong dân gian, người ta thường thu hái hoa vào mùa hè, phơi hoặc sấy khô rồi cất giữ để làm thuốc.
Theo y thư cổ, hoa cúc bách nhật vị ngọt, tính bình, có công dụng thanh can tán kết (làm mát tạng can và làm mất hiện tượng kết tụ), minh mục (làm sáng mắt), chỉ khái định suyễn (làm ngừng ho hen); thường được dùng để chữa các chứng bệnh như đầu phong (đau đầu do phong hỏa, khi đau, khi không, có sự xúc động thì đau), mục thống (đau mắt), khí suyễn khái thấu (ho hen), lỵ tật (bệnh kiết lỵ), bách nhật khái (ho gà), tiểu nhi kinh phong (trẻ em co giật), loa lịch (lao hạch), sang dương (lở loét)…
Hoa hoặc toàn cây được dùng trong phạm vi nhân dân làm thuốc chữa hen phế quản, viêm khí phế quản cấp và mạn tính, ho, ho gà, ho ra máu, ho lao, đau mắt, đau đầu, sốt ở trẻ em, bụng trướng đau, đầy hơi, tiểu tiện khó. Dùng ngoài trị chấn thương bầm giập, bệnh ngoài da. Ở Campuchia, người ta dùng trà hoa bách nhật trị thấp khớp, đau nhức mình sau khi sinh.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.